Mắc ca là loại hạt tốt cho sức khỏe với hàm lượng dinh dưỡng cao, thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn được loại hạt này. Cùng với Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời cho câu hỏi những người không nên ăn hạt mắc ca là ai thông qua bài viết này nhé.
Dinh dưỡng bất ngờ từ hạt mắc ca
Macca hay mắc ca, là một loại hạt có xuất xứ từ Châu Úc sau đó phổ biến tới khắp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Được mệnh danh là hoàng hậu trong các loại hạt, mắc ca chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có lợi cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Mắc ca chứa nhiều chất béo không bão hòa, là loại chất béo tốt cho sức khỏe tim mạch. Đây cũng là loại hạt không chứa cholesterol 100%, chính vì vậy nếu ăn mắc ca sẽ giúp bạn giảm lượng cholesterol xấu đồng thời làm sạch động mạch.
Mùi vị thơm, bùi đến từ phần nhân của hạt cũng là thứ khiến nhiều người bị chinh phục. Trong hạt chứa thành phần chủ yếu là các khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, những chất chống oxy hóa cũng được tìm thấy trong hạt. Hàm lượng chất béo của mắc ca đem lại cao hơn nhiều so với hạt điều hay hạnh nhân.
Tác dụng của hạt mắc ca là gì?
Tác dụng tốt trên sức khỏe tim mạch
Công dụng của hạt mắc ca có thể kể đến là tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch. Do thành phần của hạt có chứa nhiều chất béo không bão hòa, acid béo bão hòa… Nếu ăn hạt mắc ca đúng cách sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa những nguy cơ mắc các bệnh liên quan.
Tác dụng chống oxy hóa
Khả năng chống oxy hóa của hạt mắc ca rất tốt. Trong mắc ca chứa vitamin E, squalene có khả năng hấp thụ các gốc tự do. Chính nhờ vậy quá trình lão hóa của cơ thể sẽ chậm lại. Bên cạnh đó, flavonoids được tìm thấy trong mắc ca cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đồng thời cũng có tác dụng chống viêm hiệu quả. Bạn có thể sử dụng mắc ca trong bữa ăn hàng ngày hoặc một món ăn vặt ngon miệng.
Hỗ trợ trong thực đơn giảm cân
Những chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến khích người giảm cân nên sử dụng hạt mắc ca thường xuyên sẽ góp phần tăng hiệu quả của việc giảm cân. Acid panmitic và omega 7 trong mắc ca sẽ giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn và đói bụng. Đồng thời các chất này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo và giảm lượng mỡ trắng trong cơ thể.
Tác dụng phụ cần lưu ý của hạt mắc ca
Mặc dù mang giá trị dinh dưỡng cao thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn được loại hạt này. Do lượng chất dầu trong mắc ca có thể hơn 80%, cao nhất trong số các loại hạt thông thường. Chính vì thế nếu sử dụng quá thường xuyên sẽ dẫn tới một số tác dụng không mong muốn như:
- Đau họng: Lớp vỏ cám của mắc ca chứa bụi do đó sẽ kích thích niêm mạc đường hô hấp. Nếu sử dụng quá nhiều sẽ gây ra đau họng. Ngoài ra, quy trình chế biến và bảo quản không đúng cách sẽ khiến hạt mắc ca nhiễm vi sinh vật và bị biến đổi thành các chất oxy hóa có hại cho sức khỏe, đây cũng là lý do dẫn tới triệu chứng này.
- Khan cổ: Lượng dầu trong mắc ca có thể lên tới hơn 80% do vậy nếu bạn ăn quá nhiều, hàm lượng chất béo trong hạt sẽ kích thích niêm mạc họng và khiến bạn bị khan cổ.
- Rối loạn tiêu hóa: Hạt mắc ca chứa nhiều chất khoáng và vitamin nhưng không đủ, thiếu đi vitamin A, C… Bên cạnh đó, mắc ca cũng là loại hạt có hàm lượng chất xơ cao giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều sẽ khiến hệ tiêu hóa quá tải và bị rối loạn, dẫn tới táo bón, tiêu chảy hoặc viêm dạ dày do thừa chất xơ.
Những người không nên ăn hạt mắc ca
Người bị dị ứng với hạt mắc ca
Cũng như các loại hạt khô khác, hạt mắc ca cũng có thể gây dị ứng với những người có tiền sử dị ứng hạt. Các triệu chứng sẽ biểu hiện từ nhẹ đến nặng tùy theo cơ địa từng người. Một số biểu hiện có thể nhận thấy như:
- Phát ban, mẩn ngứa, đỏ, sưng tấy chân tay.
- Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, co thắt dạ dày.
- Tiêu chảy, khó thở, nặng hơn là hen suyễn do đường thở co thắt mạnh.
- Nguy hiểm nhất có thể gặp là sốc phản vệ với triệu chứng khó thở kèm sưng tấy, ngứa da, huyết áp và nhịp tim thất thường.
Người có chức năng tiêu hóa kém
Những người gặp vấn đề về tiêu hóa không nên ăn hạt mắc ca do có thể gây đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Lượng dinh dưỡng trong mắc ca rất nhiều nên việc hấp thụ cũng cần nhiều thời gian hơn. Người già hay trẻ em có hệ tiêu hóa kém hơn vì thế không nên ăn nhiều loại hạt này.
Theo khuyến cáo, người lớn có thể sử dụng 10 – 15 hạt mắc ca mỗi ngày. Đối với trẻ em thì lượng hạt không nên quá 10 hạt trong ngày. Thời điểm vàng để ăn mắc ca là vào buổi sáng, do hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất vào thời gian này.
Chế biến hạt mắc ca trong chế độ ăn hàng ngày
Là một loại hạt dinh dưỡng đang dần trở nên phổ biến trong các gia đình. Có thể chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau để phù hợp với khẩu vị và cách ăn của mỗi người như rang, sấy khô, làm sữa…
Sữa được làm từ hạt mắc ca cũng là phương pháp giúp bạn không cảm thấy chán ngán khi ăn quá nhiều mắc ca. Không chỉ tốt cho sức khỏe mà mùi vị đặc biệt của sữa mắc ca cũng là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người ưa thích. Loại hạt này cũng được tích cực sử dụng trong món ăn khác để tăng hương vị thơm bùi, béo ngậy.
Bên cạnh đó, mắc ca cũng được chế biến hành bơ để dễ dàng ăn kèm với bánh mì, bánh quy hay các loại trái cây, sữa, ngũ cốc hay sữa chua. Bạn có thể rắc một chút bột mắc ca lên súp trước khi thưởng thức để món ăn thêm phần béo ngậy.